Thời gian: 8.30 – 12.00, thứ 6 ngày 16/09/2022 

Địa điểm: Phòng Venus 4 – Khách sạn Adonis, 55 Quang Trung, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

 

Than sinh học thường có nguồn gốc từ sinh khối chất thải nông nghiệp, được công nhận là công nghệ phát thải carbon âm. Đây là một giải pháp cô lập carbon dài hạn hiệu quả về mặt chi phí với những lợi ích tiềm năng to lớn cho các hoạt động canh tác tái tạo. Than sinh học được xem là một giải pháp sạch, hiệu quả và bền vững trong việc giảm phát thải cacbon từ ngành nông nghiệp, qua đó góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trên toàn thế giới.

 

Tại Việt Nam, trong 20 năm qua, một số bên hữu quan từ cộng đồng nghiên cứu, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã tiên phong và phát triển các dự án than sinh học . Cho đến nay, hầu hết các hoạt động đều được thực hiện ở quy mô thí điểm với sự hỗ trợ từ quốc tế và áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ hội thương mại hấp dẫn nhất đối với than sinh học ở Việt Nam nằm ở lĩnh vực nông nghiệp, vì than sinh học giúp cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng. Các  ứng dụng trong lọc nước và than hoạt tính cũng đang nhận được sự quan tâm, trong khi lĩnh vực cô lập carbon hiện còn rất hạn chế. Theo đó, vẫn còn khoảng cách lớn giữa nghiên cứu than sinh học với sản xuất, tiếp thị cũng như sử dụng than sinh học trên toàn quốc.

 

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), với sự hỗ trợ tài chính từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) đã giới thiệu và quảng bá công nghệ nhiệt phân than sinh học như một giải pháp thông minh về khí hậu cho ngành nông nghiệp Việt Nam kể từ năm 2017. Với mục tiêu tập hợp tất cả các sáng kiến và dự án than sinh học có liên quan đang diễn ra cũng như các bên hữu quan khác nhau ở Việt Nam, UNIDO, SECO và liên danh dự án đã tổ chức sự kiện này. Hội thảo nhằm mục đích gắn kết tất cả các bên liên quan về than sinh học lại với nhau để kết nối và thảo luận về những khoảng trống cũng như nhu cầu chính của ngành. Đặc biệt, sự kiện này còn là bước đầu tiên và sẽ dẫn đến sự phát triển của một nền tảng quốc gia về than sinh học cho phép tất cả các bên liên quan chia sẻ và trao đổi ý tưởng; tương tác, hợp tác, hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu; sản xuất, kinh doanh và sử dụng công nghệ than sinh học bằng công nghệ nhiệt phân tại Việt Nam.

 

Sự kiện đã thu hút sự tham gia của 45 thành viên, với 28 đại biểu đến từ các tổ chức khác nhau thuộc Bộ NN & PTNT, các trường đại học, viện, doanh nghiệp và 17 người là thành viên các nhóm dự án, nhân viên hỗ trợ, phiên dịch viên và những người làm việc trong các lĩnh vực liên quan. Hội thảo bao gồm hai nội chính. Để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về các dự án và sáng kiến than sinh học, trong phần đầu tiên có 5 bài thuyết trình ngắn được các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày bao gồm:

    1. Mô hình nhiệt phân quy mô nhỏ
    2. Ứng dụng than sinh học sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp trong trồng trọt
    3. Mô hình sản xuất và sử dụng than sinh học trong canh tác cây trồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế
    4. Ảnh hưởng của than sinh học đến chất lượng đất trồng, lưu trữ carbon và năng suất cây trồng: Giải pháp cho canh tác carbon
    5. Định hướng thúc đẩy thị trường than sinh học ở Việt Nam

Phần thứ 2 của hội thảo tập trung vào các cuộc thảo luận và sáng kiến nhằm phát triển nền tảng quốc gia về than sinh học.

 

Sự kiện đã được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông khác nhau, như Chuyên trang Giáo dục Thủ đô – Báo Giáo dục & Thời đại (Cơ quan chủ quản: Bộ Giáo dục và Đào tạo), Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Kênh VTC1 Money (Kênh trực tiếp), Trang web của VNCPC, và Báo Xây dựng (Báo điện tử của Bộ Xây dựng).

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH