Với giá thành thấp hơn đáng kể so với phân bón hóa học, song ưu điểm nổi trội của biochar (than sinh học) không chỉ là cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản mà còn giúp duy trì hiệu quả trong thời gian dài.
Đó là nhận xét chung của các thành viên tham dự buổi tập huấn về “Ứng dụng than sinh trong cải tạo đất trồng” diễn ra vào ngày 19/3, tại xã Cư Suê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Các thành viên tham gia buổi tập huấn chụp ảnh lưu niệm.
Theo bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha): Biochar là sản phẩm đã được sử dụng từ hàng nghìn năm trước tại khu vực Amazon và những năm gần đây đã được các nước ở châu Á, Đông Nam Á sử dụng để cải tạo độ PH trong đất.
Biochar theo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) có thể giữ hàm lượng carbon trong đất lên tới cả trăm năm. Chỉ 1 gam biochar có thể sử dụng để cải tạo cho 120 m2 đất. Còn với phân bón vi sinh được bà con nông dân làm theo cách truyền thống thường không giữ được carbon trong đất do dễ dàng bị nước mưa rửa trôi trong thời gian ngắn.
Bà Heloise Buckland- Giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Tổ chức HUSK (Tây Ban Nha) giải thích về cơ chế biochar giúp cải tạo đất.
Trong khi đó, cây trồng cần hàm lượng carbon trong đất lên tới 60% để duy trì bộ rễ phát triển khỏe mạnh. Nhưng theo ước tính, trên toàn cầu hiện có tới 30% diện tích đất nông nghiệp đã bị thoái hóa do quá trình canh tác thiếu bền vững. Vì vậy, biochar chính là “chìa khóa” giúp giải quyết vấn đề một cách triệt để. Khi được trộn vào đất, biochar sẽ giúp cải thiện cấu trúc của đất, giúp đất giữ được nước và các chất dinh dưỡng nhờ đó mà các hệ vi sinh phát triển, tạo sự cân bằng sinh thái trong đất. Cũng nhờ những ưu điểm này mà người dân không cần phải bón than sinh học liên tục như cách làm hiện nay đối với phân bón hóa học.
Bà Heloise hướng dẫn sử dụng biochar đối với cây trồng.
“Nhờ sử dụng biochar, tôi đã giảm được ½ lượng phân bón hóa học mỗi năm. Điều này không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà đất vườn của tôi cũng tơi xốp hơn, cây cối xanh mướt, ít sâu bệnh, chất lượng nông sản tốt hơn nên giá bán cũng cao hơn”, Bà Đặng Thị Cúc – xã viên Hợp tác xã Bình Minh chia sẻ.
Còn theo bà Triệu Thị Châu – Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh: Ưu điểm nổi trội của hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ PPV300 đó là ngoài tạo ra than sinh học từ phế phẩm và phụ phẩm nông nghiệp, còn giúp người nông dân sấy nông sản như cà phê khi vào mùa thu hoạch gặp mưa trái mùa. Đặc biệt, nhờ quá trình đốt yếm khí không xả thải CO2 nên vấn đề môi trường cũng được xử lý một cách hiệu quả.
Thông tin về công nghệ nhiệt phân
Trong giai đoạn từ 2016 – 2019, công nghệ nhiệt phân (pyrolysis) đã được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chuyển giao thành công từ Thụy Sĩ về Việt Nam, có tiềm năng chuyển đổi chất thải nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cà phê) thành năng lượng nhiệt và than sinh học. Công nghệ này làm tăng giá trị chất thải hữu cơ và phế phẩm nông nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội kinh tế cho người nông dân và người chế biến nông sản. Công nghệ lò đốt nhiệt phân cho phép cung cấp năng lượng sinh khối tại chỗ và kịp thời mà vẫn đáp ứng được những tiêu chuẩn khí thải khắt khe. Công ty TNHH MTV Vina Viết Hiền là đơn vị đã nhận được sự hỗ trợ và chế tạo thành công Hệ thống nhiệt phân quy mô nhỏ (PPV300) để thí điểm cho mô hình HTX tại Việt Nam.
Theo VNCPC
(https://vncpc.org/biochar-giup-cai-tao-dat-nang-cao-chat-luong-nong-san/)