UNIDO hỗ trợ nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam thông qua chuyển giao công nghệ nhiệt phân

Buôn Mê Thuột, 10/11/2017 – Mặc dù đứng ở vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, ngành cà phê của Việt Nam vẫn đứng trước những rủi ro. Do thay đổi thời tiết, nông dân và các nhà chế biến cà phê của Việt Nam phải đối mặt với những thách thức về môi trường và kinh tế như thiếu nước, suy thoái đất và thiệt hại về thu nhập do phương pháp sấy thiếu tin cậy, chất lượng và giá cà phê giảm.

Do đó, ngày 10/11/2017 tại thành phố Buôn Mê Thuột – Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Công ty Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Quỹ Neumann (HRNS), Công ty TNHH Viết Hiền tổ chức hội thảo trình diễn “Công nghệ nhiệt phân cải thiện chất lượng cà phê”. Hội thảo nhằm phổ biến kết quả áp dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn trong chế biến cà phê, đặc biệt là chuyển giao thành công công nghệ nhiệt phân (Pyrolysis), từ Thụy Sĩ, đã biến vỏ cà phê thành Than sinh học (biochar) và năng lượng Nhiệt phục vụ sấy cà phê. Đây được xác định là một giải pháp đầy hứa hẹn để nâng cao chất lượng cà phê và cải thiện độ màu mỡ của đất, đồng thời giảm thiểu phát thải khí CO2. Công ty cơ khí Viết Hiền là đơn vị được tiếp nhận chuyển giao Công nghệ, đã phát triển thành công hệ thống thiết bị Nhiệt phân và triển khai thực hiện thí điểm tại Đắc Lắc và Brazil.

Tham gia hội thảo có đại diện các nhà quản lý thuộc các Bộ, ngành trung ương và địa phương, Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam, các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu từ các Viện, Trường đại học, các tổ chức quốc tế cùng các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam.

Dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các-bon thấp” nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác của UNIDO-UNEP về Sử dụng Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) do Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO) tài trợ thông qua UNIDO. Tại Việt Nam, dự án đã và đang hỗ trợ cho hai ngành chế biến lúa gạo và cà phê.

Mục tiêu chung của dự án là giảm thiểu từng bước phát sinh các chất thải công nghiệp và các sản phẩm phụ trong ngành và thúc đẩy sử dụng các chất thải này như một nguồn nhiên liệu. Dự án có 3 mục tiêu: (1) cải thiện điều kiện môi trường; (2) giảm phát thải khí nhà kính; và (3) đem lại lợi ích về kinh tế bằng cách tận dụng các chất thải công nghiệp.

Thông tin chi tiết về công nghệ xin xem tại đường link sau:

Liên hệ:

  • Hoàng Mai Vân Anh – Cán bộ chương trình, Tel: +84-4 3850 1802, E-mail: [email protected]

 Nguồn: https://vietnam.un.org/vi/7448-unido-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-k%E1%BB%B9-thu%E1%BA%ADt-c%E1%BA%A3i-thi%E1%BB%87n-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-c%C3%A0-ph%C3%AA-vi%E1%BB%87t-nam-th%C3%B4ng-qua-chuy%E1%BB%83n-giao-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87)